Hãng AFP đăng bài viết về sở thích nhâm nhi thịt mèo của người Việt và nỗi lo sợ của người nuôi mèo khi những kẻ săn trộm luôn rình rập để bắt đi thú cưng của họ.
Chủ quán ăn chuẩn bị chế biến món thịt mèo. Ảnh: AFP
Tại quán ăn kế bên một tiệm rửa xe ở trung tâm Hà Nội, ông chủ quán đang chuẩn bị chế biến món “tiểu hổ” cho khách hàng. Sau khi giết mèo, ông chủ cạo sạch lông và nướng sơ qua, chặt thành miếng rồi chiên với tỏi hoặc sả. “Rất nhiều người ăn thịt mèo. Món này mới, họ muốn ăn thử”, ông To Van Dung, chủ nhà hàng, nói với AFP.
Nếu người dân thích ăn thịt chó vào mỗi cuối tháng âm lịch, thì họ thường chọn thịt mèo vào đầu tháng. Trong ngày bận rộn nhất, quán ăn của ông Dũng phục vụ khoảng 100 khách.
“Tôi biết người dân Mỹ và Anh không ăn thịt mèo. Nhưng ở Việt Nam thì họ thích lắm. Tôi không giết mèo. Nhưng quán bán món này và tôi rất thích ăn. Món gì chúng tôi cũng ăn”, anh Nguyen Đinh Tue nói, trong khi đang thưởng thức một miếng thịt mèo chiên.
Ngoài các nguồn trong nước, chủ quán phải tìm thêm những đầu mối cung cấp mèo khác, chẳng hạn từ các đường buôn lậu qua biên giới Thái Lan và Lào. Giá bán một con mèo vào khoảng 50-70 USD tùy vào kích thước của nó.
Anh Le Ngoc Thien, đầu bếp tại một quán ăn “tiểu hổ” tại Hà Nội, cũng nuôi mèo trong nhà. Khi con mèo đủ lớn, anh giết thịt và tìm nuôi một mèo con mới. “Khi tôi mới vào làm tại đây, tôi vô cùng ngạc nhiên vì rất nhiều người ăn thịt mèo. Nhưng giờ thì tôi quen rồi, họ thích thì họ ăn thôi. Mà lượng khách thì cứ tăng đều. Thịt mèo ngọt và mềm hơn thịt chó”, anh Thien cho biết.
Đầu bếp cạo sạch lông và nướng sơ qua con mèo trước khi chế biến. Ảnh: AFP
Bác sĩ Hoang Ngoc Bau, một trong số ít chuyên gia huấn luyện vật nuôi tại Hà Nội, lí giải người Việt thích ăn thịt động vật nuôi trong nhà vì nhiều lý do. “Nước chúng tôi từng rất nghèo. Chúng tôi đã trải qua một cuộc chiến tranh dài. Khi đó chúng tôi đã ăn mọi thứ để sinh tồn, từ côn trùng, thịt chó, thịt mèo, thịt chuột. Điều đó đã thành thói quen”, ông nói.
Bác sĩ Bau quyết tâm theo đuổi lĩnh vực thú ý kể từ khi chú chó trong nhà đã cứu mạng ông khỏi bị rắn độc cắn hồi nhỏ. “Kể từ đó, tôi cảm thấy mình mang nợ với loài chó”, ông Bau kể lại.
Khi xã hội có nhiều chuyển biến trong những thập kỉ qua, ngày càng nhiều người Việt quý trọng thú nuôi giống như bác sĩ Bau. Tuy nhiên, thói quen cũ không thể bỏ ngay.
Có khoảng vài chục quán phục vụ món “tiểu hổ” tại Hà Nội. Ảnh: AFP
Khi đến Hà Nội, người ta có thể bắt gặp khoảng vài chục quán phục vụ món thịt mèo, nhưng hiếm khi nhìn thấy chú mèo nào lang thang trên phố. Phần lớn những người nuôi mèo nhốt chúng trong nhà, hoặc xích chúng lại, vì lo sợ kẻ săn trộm có thể bắt mất thú cưng của họ.
“Chẳng ai nuôi chó, mèo để rồi giết chúng làm món ăn cả. Thế nên gần như tất cả chó, mèo trong các nhà hàng đều là do bị bẫy trộm và cướp đi. Đối với tôi và những người yêu quý vật nuôi khác, chó và mèo chính là người bạn tốt nhất”, bác sĩ Bau tâm sự.
Cô Phuong Thanh Thuy nuôi mèo trong nhà hàng riêng của mình để bắt chuột. Tuy nhiên, gần đây mèo nhà cô rất hay bị bắt trộm. “Gia đình tôi buồn lắm, vì chúng tôi đã dành nhiều thời gian và công sức để nuôi chúng”, Thủy chia sẻ, trong khi đàn mèo con chơi đùa dưới chân.
0 comments:
Post a Comment